Bệnh viêm màng bồ đàoViêm màng bồ đào là bệnh mắt khá phổ biến, thường có những tổn thương nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát, khó xác định nguyên nhân. Nhiều trường hợp dẫn đến mù lòa.
Những biểu hiện của viêm màng bồ đào:
Viêm màng bồ đào trước: Các triệu chứng của viêm màng bồ đào trước là nhìn mờ, mắt thường đau đỏ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Có tủa giác mạc (là những lắng đọng tế bào viêm ở mặt sau giác mạc), thủy dịch đục, có xuất tiết hoặc mủ tiền phòng. Ðồng tử co, có khi dính bờ đồng tử, có thể có các nốt viêm trên mống mắt. Nhãn áp bình thường hoặc tăng cao.
Viêm màng bồ đào trung gian:
Mắt nhìn mờ nhưng triệu chứng khiến người bệnh đến khám thường là hiện tượng thấy những thể lơ lửng trước mắt như "ruồi bay" do dịch kính đục. Có thể thấy phù hoàng điểm, viêm thành tĩnh mạch võng mạc.
Viêm màng bồ đào sau (viêm hắc mạc): Mắt không đau đỏ nhưng nhìn mờ, có hiện tượng chớp sáng trước mắt do kích thích các tế bào cảm thụ ánh sáng. Những thể lơ lửng trước mắt tạo cảm giác như "ruồi bay" hoặc "mạng nhện" trước mắt do xuất tiết gây đục dịch kính. Các dấu hiệu khác như nhìn vật biến dạng, nhỏ đi hoặc to ra chỉ xuất hiện khi vùng hoàng điểm bị tổn thương. Khám mắt có đục dịch kính, ổ viêm hắc mạc màu trắng xám ở trung tâm hoặc rải rác khắp hắc mạc, khi bệnh ổn định sẽ để lại sẹo.
Cần phân biệt viêm màng bồ đào trước với các trường hợp viêm kết mạc cấp, cơn glôcôm góc đóng cấp (cơn thiên đầu thống cấp).
Biến chứng của viêm màng bồ đào:
Tăng nhãn áp, đục thể thủy tinh. Ðây là hai biến chứng hay gặp trong viêm màng bồ đào trước.
Các biến chứng khác: tổ chức hóa dịch kính, phù hoàng điểm biến dạng nang, bong võng mạc, màng trước võng mạc, tân mạch dưới võng mạc, tân mạch đĩa thị giác, teo nhãn cầu là biến chứng thường gặp trong viêm màng bồ đào ở trẻ em.
Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào:
Các nguyên nhân gây viêm màng bồ đào gồm:
+ Vi khuẩn: Nhiễm khuẩn ngoại sinh trong các trường hợp chấn thương, phẫu thuật mắt. Nhiễm khuẩn nội sinh từ các ổ viêm lân cận như sâu răng, viêm lợi, viêm họng, viêm xoang hoặc trong các bệnh toàn thân như lao, giang mai, phong, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết...
+ Virut: nhiễm các virut như herpes, zona, cúm, thủy đậu, sởi, quai bị... + Nấm: nhiễm nấm nội sinh hoặc nhiễm nấm ngoại sinh khi bị chấn thương hay phẫu thuật mắt. Các loại nấm gây bệnh có thể là candida, aspergillus... + Ký sinh trùng như toxoplasma, ấu trùng sán lợn (cysticercosis), giun... Yếu tố miễn dịch, yếu tố kháng nguyên bạch cầu HLA (Human Leucocyte Antigen) liên quan đến hội chứng BehCet (tam chứng kinh điển là viêm màng bồ đào trước có mủ tiền phòng, viêm miệng áp tơ và loét bộ phận sinh dục), hội chứng Vogt-Coyanagi-Harada (viêm màng bồ đào - màng não), hội chứng Reiter viêm niệu đạo, viêm khớp, viêm kết mạc thường kèm viêm mống mắt)... + Dị ứng: viêm màng bồ đào dị ứng protein thể thủy tinh. Nhiễm độc các độc tố hóa chất, độc tố từ tác nhân nhiễm trùng, độc tố của các u ác tính trong nhãn cầu.
Ðiều trị: Ðiều trị nguyên nhân với các thuốc đặc hiệu. Thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi cần được dùng ngay từ đầu trong mọi trường hợp viêm màng bồ đào trước để chống dính đồng tử và giảm đau. Thuốc thường dùng là dung dịch atropin 1-4% hoặc mỡ atropin 1% tra mắt.
- Thuốc chống viêm corticosteroit là thuốc chủ lực trong điều trị viêm màng bồ đào nhưng không nên dùng trong một số trường hợp cụ thể (viêm màng bồ đào do virut, lao, nấm).
Thuốc có nhiều dạng và nhiều đường dùng. Thuốc được dùng nhiều đường phối hợp như tra mắt, tiêm cạnh nhãn cầu, uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch. Dạng thuốc tra mắt chỉ có tác dụng trong viêm màng bồ đào trước. Liều lượng và thời gian dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh. Corticosteroit có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khi dùng kéo dài ở những người bệnh tăng huyết áp, loãng xương, giảm sức đề kháng, hội chứng Cushing, đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp... cần được thầy thuốc theo dõi chặt chẽ.
Các thuốc chống viêm không steroit như indometaxin, diclofenac... được dùng trong các trường hợp chống chỉ định dùng corticosteroit.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Các thầy thuốc gây độc tế bào như cyclophosphamit, cloram-buxil, azathioprin, methotrexat có nhiều tác dụng phụ chỉ được dùng trong các viêm màng bồ đào liên quan đến yếu tố miễn dịch và không đáp ứng với corticosteroit. Cyclosporin là loại thuốc hay được dùng vì ít độc hơn các thuốc trên.
- Phẫu thuật chủ yếu để điều trị biến chứng viêm màng bồ đào như phẫu thuật lấy thể thủy tinh, có thể kết hợp đặt thể thủy tinh nhân tạo, phẫu thuật lỗ rò điều trị tăng nhãn áp, cắt dịch kính, bóc màng trước mạc, phẫu thuật bong võng mạc.
Phòng ngừa: Bệnh viêm màng bồ đào cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời, theo dõi chặt chẽ để ngăn ngừa các biến chứng nặng nề có thể dẫn đến mù lòa.