| Mỗi năm, vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ thi đại học, phần đông các học sinh cấp 3 có dự định thi vào trường y đều rất băn khoăn về hai ngành học khá mới là YTCC và YHDP. Rồi đến khi trúng tuyển vào một trong hai ngành này rồi, các bạn vẫn chưa hết băn khoăn, nhiều bạn tỏ ra chán nản khi không hiểu rõ về ngành học của mình, trong khi lại thường bị người ngoài đem ra so sánh với các ngành học khác trong trường y. Đặc biệt khi nghe những người thân trong gia đình, bà con làng xóm... nêu ra những ý kiến, bình luận theo sự hiểu biết của họ về hai ngành này thì tâm trạng chán nản sẽ bộc lộ rõ ở nhiều bạn sinh viên. Vì thế hàng năm không ít sinh viên năm 1 của hai ngành học này đã thi lại đại học để chọn ngành học khác trong trường y. Nhằm mang lại cho các bạn học sinh, sinh viên đặc biệt là những học sinh có dự định theo học ngành YTCC hoặc YHDP và những sinh viên đang theo học một trong hai ngành này, nhất là các bạn sinh viên năm một những hiểu biết cơ bản về YTCC và YHDP, tôi xin cung cấp một vài thông tin.
Ngành Y tế công cộng (public health)
Y tế công cộng là khoa học và nghệ thuật phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ và tăng cường sức khỏe thông qua những cố gắng có tổ chức của xã hội. Y tế công cộng có nhiều lĩnh vực nhỏ nhưng có thể chia ra các phần: dịch tễ học, sinh thống kê và dịch vụ y tế. Những vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội, nhân chủng học và sức khỏe nghề nghiệp cũng là lĩnh vực quan trọng trong y tế công cộng. Ở Việt Nam,ngành y tế công cộng còn mới và thường bị nhẫm lẫn với ngành y học dự phòng hay vệ sinh-dịch tễ (trước kia). Mục đích của YTCC là thực hiện các can thiệp của y tế công cộng tập trung vào vấn đề phòng bệnh hơn là chữa bệnh thông qua giám sát các trường hợp và khuyến khích các hành động tốt cho sức khoẻ. Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, chữa một bệnh này có ý nghĩa sống còn để phòng ngừa các bệnh khác, chẳng hạn các vụ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Các chương trình tiêm chủng vắc-xin và phân phát bao cao su là những ví dụ của công tác hoạt động y tế công cộng. Lịch sử phát triển y tế công cộng ở Việt Nam: Từ ngày thành lập nước năm 1945, Việt Nam đã khẳng định y học dự phòng luôn là ưu tiên hàng đầu : phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống vệ sinh dịch tễ học theo mô hình Liên Xô nhấn mạnh vào việc phòng và chống các bệnh truyền nhiễm bởi lúc đó bệnh truyền nhiễm đóng vai trò chủ yếu trong cấu trúc bệnh tật ở Việt Nam, hoàn toàn có thể khống chế được thông qua các biện pháp đặc hiệu như dùng vắc-xin và không đặc hiệu như tuyên truyền .
CHUẨN ĐẦU RA CỦA NGÀNH CỬ NHÂN Y TẾ CÔNG CỘNG HỆ CHÍNH QUY 4 NĂM - ĐH Y Dược Huế
1. Kiến thức Trình bày và áp dụng được: 1.1. Trình bày được các nguyên lý và khái niệm cơ bản về Y tế công cộng. 1.2. Trình bày được cách phát hiện và xử trí các vấn đề sức khỏe phổ biến ở cộng đồng.
2. Kỹ năng 2.1. Tham gia xác định được các yếu tố môi trường, xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. 2.2. Tham gia xác định được các vấn đề sức khỏe ưu tiên của cộng đồng và đưa ra những chiến lược và biện pháp giải quyết thích hợp. 2.3. Tham gia lập kế hoạch, đề xuất những giải pháp và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. 2.4. Theo dõi và tham gia đánh giá được việc thực hiện các chương trình sức khỏe tại cộng đồng. 2.5. Tham gia giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch và tổ chức phòng bệnh dịch tại cộng đồng. 2.6. Giáo dục sức khỏe cho cộng đồng nhằm xây dựng lối sống và hành vi có lợi cho sức khỏe. 2.7. Sử dụng tối thiểu được một ngoại ngữ để đọc, hiểu được tài liệu chuyên môn và thành thạo công nghệ thông tin để phục vụ cho quản lý, nghiên cứu khoa học.
3. Thái độ 3.1. Tận tụy với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, hết lòng phục vụ người bệnh. 3.2. Tôn trọng và chân thành hợp tác với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành. 3.3. Khiêm tốn học tập vươn lên. 3.4. Coi trọng việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.
4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Trung tâm y tế dự phòng, Sở Y tế hoặc các trung tâm y tế và các cơ sở y tế khác có liên quan tới Y tế công cộng.
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp - Chuyên khoa cấp I YTCC - Chuyên khoa cấp II YTCC - Thạc sỹ - Tiến sỹ ===============
NGÀNH BÁC SĨ Y HỌC DỰ PHÒNG ( Preventive medicine)
1. Bác sĩ Y học dự phòng là gì? Y học dự phòng là cầu nối giữa y học và y tế công cộng. Trong khi y học quan tâm đến chẩn đoán và điều trị bệnh cho một bệnh nhân thì y tế công cộng quan tâm nhiều hơn đến phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Vì vậy mục tiêu hàng đầu của Y học dự phòng là nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Ngành Y học dự phòng đào tạo những bác sĩ chuyên ngành về các vấn đề chẩn đoán sức khỏe cộng đồng, sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề sức khỏe liên quan các tác nhân ngoại sinh, nội sinh, kể cả di truyền và lối sống, dịch bệnh nhiễm trùng, không nhiễm trùng, dịch bệnh liên quan đến lứa tuổi, phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình dịch vụ y tế, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe v.v…
2.Phẩm chất cần có của một bác sĩ Y học dự phòng: - Bác sĩ Y học dự phòng phải là cán bộ y tế có y đức, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp vững để xác định, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề cơ bản của sức khỏe cộng đồng; , có khả năng tự học vươn lên để kịp thời đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh cho nhân dân. - Dám chịu trách nhiệm: bệnh nhân không phải là một cỗ máy vô tri vô giác, khi hỏng có thể vứt bỏ. Mỗi 1 hành động sai của bác sĩ có thể cướp đi một sinh mạng hoặc để lại di chứng suốt đời cho bệnh nhân. Vì vậy, một bác sĩ tốt rất cần có tinh thần trách nhiệm cao. - Có thói quen đọc tài liệu chuyên ngành: Dược và các sản phẩm ngành dược ra đời liên tục, thay tên, thêm bớt thành phần; các ứng dụng kỹ thuật mới như nội soi lazer, phác đồ điều trị mới, kết quả nghiên cứu mới… Đọc nhiều sẽ giúp bác sĩ luôn theo kịp tốc độ phát triển của ngành và không lạc hậu trong nghề nghiệp.
3. Nhiệm vụ của Bác sĩ Y học dự phòng gồm các nội dung chủ yếu sau: - Phát hiện, xác định và giám sát các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến yếu tố môi trường, tác hại nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. - Dự báo kiểm soát và khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm, các tác nhân truyền nhiễm gây dịch nhất là ở các ổ dịch bệnh mới phát sinh. - Phòng chống các dịch bệnh không lây nhiễm: tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp... - Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về Y tế dự phòng như phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân. - Tham gia quản lý, chăm sóc bệnh nhân tại cộng đồng: Các bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, bệnh xã hội và phục hồi chức năng. - Xử trí một số trường hợp cấp cứu và điều trị một số bệnh thông thường.
4. Chương trình đào tạo ngành Y học dự phòng? Ở các nước phát triển, chương trình đào tạo Bác sĩ Y học dự phòng tiếp theo sau chương trình đào tạo Bác sĩ đa khoa (Sau đại học). Nhưng ở nước ta do hạn chế nguồn nhân lực y tế, chương trình đào tạo Bác sĩ Y học dự phòng là chương trình đào tạo trong đại học, có thời gian đào tạo là 6 năm trong đó 4 năm đầu học chương trình như sinh viên Y đa khoa, 2 năm sau học chuyên ngành Y học dự phòng. Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Y học dự phòng có thể làm việc tại Bộ Y tế, Trường Đại học Y, các Viện nghiên cứu chuyên ngành Y học dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng, các Trung tâm y tế, các dự án và các cơ sở y tế khác liên quan đến y tế dự phòng và có thể học tiếp: +Bác sĩ nội trú. +Bác sĩ Chuyên khoa I. +Bác sĩ Chuyên khoa II. +Thạc sĩ. +Tiến sĩ.
CHUẨN ĐẦU RA CỦA NGÀNH BÁC SỸ Y HỌC DỰ PHÒNG
HỆ CHÍNH QUY 6 NĂM - ĐH Y Dược Huế
1. Kiến thức Trình bày và áp dụng được: 1.1. Những quy luật cơ bản về cấu tạo hoạt động và chức năng của con người trong trạng thái bình thường và bệnh lý. 1.2. Những kiến thức cơ bản về y học dự phòng trong việc xác định các yếu tố tác động của môi trường tự nhiên, xã hội, nghề nghiệp đến sức khỏe. 1.3. Những nguyên tắc cơ bản về cách phát hiện, biện pháp can thiệp và dự phòng các vấn đề sức khỏe của cộng đồng. 1.4. Luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức khỏe nhân dân. 1.5. Phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu khoa học công nghệ của y học dự phòng.
2. Kỹ năng 2.1. Tổ chức và thực hiện được hoạt động tư vấn, giáo dục sức khỏe trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. 2.2. Thực hiện được các kỹ thuật giám sát và đánh giá tác động môi trường, đề xuất các giải pháp phòng chống ô nhiễm môi trường. 2.3. Phát hiện được các vấn đề dinh dưỡng-an toàn thực phẩm và đề xuất các giải pháp cải thiện thích hợp. 2.4. Tổ chức và theo dõi được quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp ở các ngành nghề khác nhau. Tham gia giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch phổ biến và tổ chức phòng chống dịch. 2.5. Thực hiện được các kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, tổ chức giám sát hoạt động các chương trình mục tiêu y tế quốc gia về y tế dự phòng. 2.6. Tham gia được các kỹ năng chẩn đoán, xử trí và cấp cứu các bệnh thông thường và một số bệnh chuyên khoa. 2.7. Thực hiện được công tác tập huấn, giám sát hỗ trợ cho y tế cơ sở và y tế dự phòng. 2.8. Thực hiện được công tác nghiên cứu khoa học trong lúc học y tế dự phòng. 2.9. Sử dụng tối thiểu được một ngoại ngữ để đọc, hiểu được tài liệu chuyên môn và thành thạo công nghệ thông tin để phục vụ cho quản lý, nghiên cứu khoa học.
3. Thái độ 3.1. Tận tụy với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, hết lòng phục vụ người bệnh. 3.2. Tôn trọng và chân thành hợp tác với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành. 3.3. Khiêm tốn học tập vươn lên. 3.4. Coi trọng việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.
4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Trung tâm y tế dự phòng, Sở Y tế hoặc các trung tâm y tế và các cơ sở y tế khác có liên quan tới y học dự phòng.
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp - Bác sỹ chuyên khoa cấp I - Bác sỹ chuyên khoa cấp II - Thạc sỹ - Tiến sỹ | |