| Bác sĩ y tế dự phòng khám chữa bệnh là không ổn!
SGTT.VN - Xung quanh dự thảo về việc cho phép bác sĩ y tế dự phòng tham gia khám, chữa bệnh tại TP.HCM, có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau.
Khám bệnh thì mới giữ được bác sĩ
BS Đỗ Thị Tân, phó giám đốc trung tâm Y tế dự phòng quận 1, cho biết: quận 1 hưởng ứng việc đổi tên trung tâm y tế dự phòng quận 1 thành trung tâm y tế quận 1 vì trung tâm y tế có nhiều chức năng khám bệnh và phòng bệnh, còn trung tâm y tế dự phòng thì chỉ có một chức năng phòng bệnh. Theo bà Tân, trước đây, quận chỉ có trung tâm y tế thì công việc rất tốt. Từ khi bộ Y tế tách trung tâm y tế ra làm ba cơ quan: phòng y tế, bệnh viện quận và trung tâm y tế dự phòng thì các bác sĩ y tế dự phòng nghỉ hết. Bà Tân nói: “Nếu trước đây mỗi phường ở quận 1 đều có hai bác sĩ thì sau khi chia ra thành trung tâm y tế dự phòng, mười phường của quận từ 20 bác sĩ còn có năm bác sĩ thôi, vì không có thu nhập”.
Không riêng BS Tân, nhiều bác sĩ y tế dự phòng khác cho rằng vừa dự phòng, vừa điều trị là thuận tiện vì bác sĩ dễ tuyên truyền hơn. Hơn nữa, khi khám bệnh mới có thu nhập nuôi y tế dự phòng và bác sĩ cũng không phân biệt nặng, nhẹ giữa điều trị và dự phòng.
Bác sĩ dự phòng khám chữa bệnh là không hợp lý
Ngược lại, ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ nhiệm hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: cán bộ y tế dự phòng có chức năng chính là dự phòng, tuyên truyền, làm các chương trình quốc gia… để người dân ý thức sâu với việc phòng tránh dịch bệnh. Ông Đằng nhận xét: “Cán bộ y tế dự phòng nhận luôn cả việc khám, chữa bệnh ban đầu, khám bệnh theo bảo hiểm y tế là không hợp lý; là lấn sân các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện tuyến trên”.
Theo ông Đằng, mỗi năm TP.HCM vẫn có hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm, trẻ em và người lớn sốt xuất huyết quanh năm, các bệnh sởi, tay chân miệng… vẫn chưa khống chế được. Ông Đằng đặt vấn đề: “Gần đây, những căn bệnh mãn tính không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường ngày càng tăng. Với thực trạng đó, y tế dự phòng làm đã không hết việc, nay bác sĩ dự phòng lại còn khám, chữa bệnh thì làm sao dám chắc họ không bị chi phối, sao nhãng nhiệm vụ chính?” Cũng theo ông Đằng, tâm lý của người bệnh hiện nay muốn tìm đến các bệnh viện chuyên khoa hoặc ít nhất là bệnh viện quận/huyện để khám khi có bệnh chứ không chọn trung tâm y tế dự phòng để khám. Do vậy, việc cần làm của y tế dự phòng là tập trung vào công tác và chiến lược phòng bệnh cho tốt, và ngành y tế cần nghiên cứu chế độ phù hợp cho cán bộ y tế dự phòng chứ không thể cho bác sĩ y tế dự phòng khám chữa bệnh để có thêm thu nhập, trong khi bác sĩ làm y tế dự phòng cho dân còn chưa có đủ.
Ông Nguyễn Văn Minh, phó ban Văn hoá xã hội HĐND thành phố, cho rằng: “Hiện nay, từ các bệnh viện quận/huyện đến bệnh viện tuyến trên đều quá tải trong việc khám và điều trị bệnh, kể cả khám bằng bảo hiểm y tế. Nếu trung tâm y tế dự phòng và trạm y tế đảm nhận khám bệnh ban đầu và khám cho đối tượng có bảo hiểm y tế nhằm góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên là việc tốt!” Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý chức năng chính của y tế dự phòng là tuyên truyền, phòng tránh bệnh tật, vì thế, để tham gia khám, chữa bệnh, trung tâm y tế dự phòng phải đảm bảo đủ y bác sĩ cho công tác y tế dự phòng, sau đó tuyển thêm bác sĩ về đảm nhiệm việc khám, chữa bệnh. Theo ông Minh, trung tâm y tế dự phòng nên tách bạch giữa bác sĩ khám bệnh và bác sĩ dự phòng hoặc phải phân chia nhau khám bệnh cho khoa học để cải thiện thu nhập. Ông nói: “Các trung tâm y tế dự phòng phải tự hoạt động để tìm nguồn kinh phí nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế dự phòng trước khi Nhà nước tính toán lại nguồn kinh phí!” | |