SGTT.VN - Hiện nay, nhiều trung tâm y tế dự phòng quận/huyện tại TP.HCM đang tập trung soạn thảo đề án nâng cao việc điều trị khám chữa bệnh ban đầu cho người dân tại trạm y tế phường/xã nhằm góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
[You must be registered and logged in to see this link.] Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, trưởng trạm y tế phường 9, quận 10 khám bệnh cho người dân trong phường. Đây là phường đang thí điểm nâng cao việc khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Ảnh: PV |
Vừa phòng bệnh vừa khám chữa bệnh
BS Phan Văn Nghiệm, trưởng phòng nghiệp vụ y, sở Y tế TP.HCM, cho rằng: mô hình y tế dự phòng của TP.HCM khác với các tỉnh khác ở chỗ trạm y tế của các tỉnh phụ thuộc vào phòng y tế. Riêng TP.HCM, trạm y tế trực thuộc trung tâm y tế dự phòng cấp quận/huyện. Trung tâm y tế dự phòng quận/huyện tại thành phố có khoa kiểm soát dịch bệnh, liên chuyên khoa về các bệnh mãn tính, khám chữa bệnh ban đầu cho người lớn và thậm chí nhận cả khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Theo BS Nguyễn Trung Hoà, giám đốc trung tâm y tế dự phòng quận Gò Vấp, sở y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch chuyển trạm y tế từ phòng y tế sang trung tâm y tế dự phòng và đổi tên trung tâm y tế dự phòng thành trung tâm y tế, thực hiện từ năm 2010 – 2011. Vì vậy, trung tâm y tế dự phòng vừa có chức năng dự phòng, vừa có chức năng điều trị ngoại trú cơ bản ban đầu, trạm y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân phải có chức năng như một phòng khám đa khoa.
Như vậy, nếu theo chủ trương này, TP.HCM sẽ có thêm 24 địa chỉ khám chữa bệnh ở 24 quận/huyện, chưa kể các trạm y tế ở cấp phường/xã.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, giám đốc trung tâm y tế dự phòng quận 10, cho rằng: trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế phường không thể không khám chữa bệnh. Dự phòng không có nghĩa là mất đi nhiệm vụ khám chữa bệnh mà phải thúc đẩy khám chữa bệnh mạnh hơn, vừa khám bệnh vừa tuyên truyền phòng chống bệnh chứ không thể chỉ tuyên truyền.
Muốn phòng bệnh thì phải khám và chữa bệnh tốt
BS Nguyễn Thị Kim Oanh, trưởng trạm y tế phường 9, quận 10, chia sẻ, muốn tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, trước hết cần phải tạo dựng niềm tin cho dân. Niềm tin ấy xuất phát từ việc khám chữa bệnh ban đầu cho dân một cách chính xác, khỏi bệnh. Bác sĩ y tế dự phòng phải chuyên nghiệp, cởi mở, gần gũi, tư vấn tốt cho người dân. Khi dân có niềm tin, bác sĩ nói dân chịu làm theo thì việc dự phòng dịch, phòng bệnh sẽ nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn. Mặt khác, trạm y tế phường muốn dân đến với mình thường xuyên thì phải đầu tư hơn nữa về phòng ốc, trang thiết bị và phải có bác sĩ có chuyên môn khá giỏi.
Lợi thế của bác sĩ tuyến cơ sở là dễ gần gũi, hiểu biết về nhiều loại bệnh nên chẩn đoán tốt hơn bác sĩ chuyên khoa sâu. Đồng thời, dựa vào số bệnh nhân đến khám ở trạm y tế, bác sĩ sẽ nắm bắt được diễn biến dịch bệnh cơ bản ở các cụm dân cư mà có cách tư vấn, tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh thích hợp.
Hoàng Nhung
Muốn khám chữa bệnh phải đủ điều kiện
• Việc khám bệnh cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, các bệnh viện quận/huyện đã làm rồi. Trạm y tế cũng có chức năng khám bệnh nhưng muốn khám tốt phải đầu tư nhân lực và nâng cao nghiệp vụ khám chữa bệnh hơn nữa. Theo quy định, các bác sĩ y tế dự phòng được phép mở phòng mạch. Riêng trung tâm y tế dự phòng quận làm chức năng phòng bệnh là chính, không làm chức năng điều trị. Việc khám bệnh ban đầu chỉ là chức năng phụ mà thôi.
BS Nguyễn Thế Dũng (nguyên giám đốc sở Y tế TP.HCM)
• Ngày 7.9, ông Cao Hưng Thái, cục phó cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết, chức năng của các trung tâm y tế dự phòng là tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn. Việc các trung tâm y tế dự phòng chuyển sang khám bệnh, bộ Y tế không có văn bản nào nói là có cho phép hay không. Tuy nhiên, theo pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân vẫn còn hiệu lực thì cơ sở y tế nào nếu có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, được cấp phép thì có thể tổ chức khám chữa bệnh.
TS Lý Ngọc Kính, nguyên cục trưởng cục Khám chữa bệnh (bộ Y tế) cho rằng, trung tâm y tế dự phòng chưa được khám chữa bệnh mà chỉ được tổ chức tiêm phòng, khám răng miệng, khám sức khoẻ... Nếu trung tâm y tế dự phòng nhận khám bệnh mà chưa đủ cơ sở vật chất cũng như nhân lực (bác sĩ có trình độ chuyên môn) khi bệnh nhân cần cấp cứu mà không thực hiện được do thiếu máy móc, thiết bị sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Lệ Hà