| Chung:
- Không được hấp tấp, nóng vội mà phải kiên nhẫn: dành nhiều thời gian với mức độ đều đặn để học tiếng Anh; liên tục luyện tập những gì đã học, đã đọc, càng được nhiều lần càng tốt; tận dụng tối đa thời gian (đọc nhanh, gõ nhanh, ghi nhanh…).
- Động lực mạnh mẽ: công việc, hiểu biết, hứng thú. Chuẩn bị kỹ càng và lâu dài.
- Sử dụng tốt ngoại ngữ, thể hiện qua 4 kỹ năng: nghe-nói-đọc-viết.
- Luôn tự thức tỉnh khi học, khi tham gia 1 tiến trình nào đó.
- Làm đúng những cái đơn giản nhất, nhỏ nhất (một khi không thể làm đúng những thứ căn bản nhất thì khó có thể làm đúng những thứ phức tạp hơn).
Với từng kỹ năng:
Đọc: Cần biết ngữ pháp (cách ráp thành câu hoàn chỉnh, người bản xứ thấy quen và hiểu được), từ vựng và thực hành đọc sách, báo, tài liệu liên tục. Kĩ năng đọc cũng như nghe, điều quan trọng là những thông tin mà bạn nắm bắt được từ bài đọc đó, chính vì vậy, cần chú ý vào kĩ năng đọc lướt và tìm đại ý của đoạn văn; Sau khi đã hiểu được nội dung của đoạn văn, bạn bắt đầu tìm những từ vựng mới, cấu trúc mới mà mình chưa biết, dịch nghĩa và ghi chép lại. Một từ vựng có thể có rất nhiều nghĩa, nên bạn cần phải linh hoạt tìm ra nghĩa thích hợp của từ ấy trong đoạn văn; Chọn lọc những bài viết phù hợp với trình độ của bạn (khi mới học, nên chọn những đoạn văn ngắn, nói về các đề tài phổ biến. Sau đó thì tăng dần độ dài cũng như sự phức tạp của đoạn văn. Các đề tài càng phong phú càng tốt, tuy nhiên, bạn có thể chọn những đề tài phù hợp với sở thích cá nhân; nguồn tài liệu cho việc luyện tập kĩ năng đọc cũng rất đa dạng. bạn có thể tìm đọc các câu chuyện song ngữ (khi mới bắt đầu), những tạp chí, báo, thậm chí truyện tranh, lời bài hát…).
Viết: Khi đã vững về từ vựng cũng như ngữ pháp căn bản, bạn có thể luyện tập kĩ năng viết. Kĩ năng viết bằng tiếng Anh cũng không khác gì tiếng Việt, chỉ khác nhau ở cách sắp xếp vị trí câu, từ…còn ý nghĩa thì vẫn như nhau. Bạn không cần phải bối rối khi viết một đoạn văn bằng tiếng Anh. Bạn chỉ cần suy nghĩ nội dung chính, sắp xếp ý và viết theo dàn bài ấy. Bắt đầu bằng những đoạn văn ngắn, bạn hãy tập ghi nhật kí bằng tiếng Anh, kể lại những việc bạn đã làm trong ngày, những suy nghĩ, cảm xúc của bạn. Ngữ pháp chỉ cần ngắn gọn, đơn giản để đảm bảo sự chính xác. Từ vựng tuỳ theo vốn từ vựng của bạn, nếu không biết từ gì, bạn ttra từ điển và ghi chú lại từ ấy; Sau khi viết một đoạn văn xong, hãy đọc lại để kiểm tra các lỗi ngữ pháp, từ vựng nếu có và ghi chú lại; Tập viết các đoạn văn theo các hình thức khác nhau: trịnh trọng (thư, đơn từ, bài luận…) và thân mật (thư gửi bạn, mẩu đối thoại, truyện kể…); Tham gia vào cá diễn đàn học tiếng Anh và post bài viết của mình lên để mọi người củng góp ý, nhận xét, sửa lỗi. Bạn có thể học từ một sách đàm thoại song ngữ. Cố gắng học thuộc lòng các câu tiếng Anh tương tự với các câu tiếng Việt. Kế đó, che câu tiếng Việt rồi cố gắng dịch ra tiếng Anh. Làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi không còn lỗi nào. Nói chung khi thấy câu tiếng Anh nào hay trong sách hay trên báo chí, hãy học thuộc lòng rồi tự trả bài bằng cách viết lại nguyên câu ấy.
Nghe: Nghe là một kĩ năng hết sức quan trọng trong giao tiếp với bất kì ngôn ngữ nào. Để nghe tốt, điều tất yếu là phải nghe nhiều. Cố gắng tạo ra môi trường tiếng Anh cho chính mình. Bạn luyện tập bằng cách nghe tiếng Anh, nghe 1 bài, nghe đi nghe lại và lặp lại theo bài đó vài lần xem có hiểu thêm không. Khi nghe&xem, bạn chú ý lắng nghe cách sắp xếp từ, cách sử dụng ngôn ngữ tùy theo hoàn cảnh như thế nào, nghe các chủ đề khác nhau để trau dồi kiến thức phổ thông và vốn từ vựng… Bạn có thể nghe một chương trình về khoa học, đời sống, thể thao, cuộc sống hoang dã, lịch sử, địa lý, du lịch…Đề tài càng phong phú càng tốt. Tuy nhiên, bạn cũng nên chọn những đề tài mà mình quan tâm, yêu thích để tránh sự nhàm chán. Thường thường, nếu có chữ nào mặc dầu bạn sẽ biết nếu người ta viết nó xuống nhưng nhận không ra khi nghe trên radio, đó là vì bạn phát âm chữ đó không đúng. Một trong những lý do khiến bạn thấy khó bắt kịp một câu nói của người nói tiếng Anh là vì trong khi người ta nói chưa dứt câu thì bạn đã tìm cách đặt câu để trả lời. Trong lúc phân vân ấy, bạn không thể tập trung tư tưởng để lắng nghe người ta nói gì. Bây giờ vì bạn đã học viết rất kỹ, nên bạn sẽ không lo ngại gặp khó khăn gì khi đặt một câu tiếng Anh để trả lời. Do đó bạn có thể tập trung tư tưởng hoàn toàn để lắng nghe người ta nói. Ngoài ra có khi người ta phát âm ráp hai ba chữ với nhau, bạn không cần phải tìm cách phân tách ra từng chữ một. Chỉ cần biết hễ người ta phát âm như thế là có nghĩa gì. mục đích của kĩ năng nghe là để nắm bắt thông tin và nội dung của bài nghe. Chính vì vậy, trong lúc nghe, bạn nên giữ tinh thần thư giãn, thoải mái, đừng quá căng thẳng, đừng tự ép mình phải nghe rõ từng câu, từng chữ. Nếu không nghe kịp thì bạn cứ bình tĩnh và cố gắng bắt nhịp lại với bài nghe. Nói: ta nói dở là vì viết dở, phát âm không đúng và nhát nói và bạn có nói và phát âm chuẩn thì nghe mới chính xác được. Nay đã viết khá rồi, chỉ cần học phát âm đúng và đừng nhút nhát, xấu hổ khi thực hành việc nói. Học nói như trẻ em học nói. Bạn học các âm cơ bản, các từ thể hiện các âm cơ bản. Bạn cần học cách đọc hệ thống phiên âm và cách nhận biết dấu nhấn, từ đó dựa vào từ điển để phát âm chuẩn các từ vựng mới, việc này rất quan trọng vì một khi bạn phát âm sai sẽ rất khó sửa. Bạn hãy tập nói một mình,tưởng tượng trong một văn cảnh nào đó, hay đang ngồi nói chuyện với ai về một đề tài nào đó. Hội thoại với bạn bè bằng ngoại ngữ, cần nói đúng và nói to. Bạn cũng nên thường xuyên tập suy nghĩ trong đầu bằng ngoại ngữ về những sự việc mà bạn định nói đến. Trong khi lắng nghe tin tức trên radio hay TV bạn hãy nói theo phát ngôn viên mặc dầu nhiều khi không hiểu mình nói gì. Đó là cách làm cho lưỡi bạn dẻo. Bạn sẽ ngạc nhiên và khám phá rằng cách phát âm của nhiều chữ Anh không có âm/tiếng đương đương trong tiếng Việt. Ta học ngoại ngữ khi đã trưởng thành nên thường có khuynh hướng dùng một tiếng mẹ đẻ phát âm tương tự để dùng cho tiếng Anh. Đều đó không nên. Cứ học phát âm như con vẹt, tức là ta như con nít bản xứ, nghe người bản xứ phát âm làm sao mình cứ lập lại y như vậy. Hãy thu âm những gì bạn đã đọc, đã nói, rồi nghe lại để nhận biết cách phát âm của mình đã chuẩn hay chưa; cố gắng vận dụng các từ vựng, thành ngữ, ngữ pháp mới học vào cuộc trò chuyện, việc này sẽ giúp bạn nhớ nhanh và lâu hơn; tham gia vào các câu lạc bộ tiếng Anh hay học nhóm, trao đổi cùng bạn bè; không ngại sai, mạnh dạn nói lên những gì bạn nghĩ. Kĩ năng nói luôn đi liền với nghe, vì vậy nếu gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ, bạn hãy giải thích theo cách nghĩ của bạn, chính người nghe có thể giúp bạn và bạn cũng có thể học được cách xử lý tình huống một cách khéo léo hơn.Trở lại sách đàm thoại song ngữ, bạn ghi âm lại một số câu chữ Anh để thực tập. Sau đó, che câu tiếng Việt và thực tập nói câu tiếng Anh một cách tự nhiên. Chẳng bao lâu bạn sẽ tự tin là mình có thể nói lưu loát một số câu tiếng Anh thường dùng hằng ngày và hầu hết các tình huống nói khác. Khi bạn phát âm đúng và nói giỏi, tự động khả năng nghe của bạn sẽ tăng tiến.
| |