[You must be registered and logged in to see this link.] VƯƠNG TRÍ NHÀNĐầu năm 2006, một người Mỹ nói thẳng là thanh niên Việt Nam không có nhu cầu hiểu biết mà chỉ lo học lấy bằng để kiếm sống. Thoạt nghe tôi cũng bị sốc. Một xã hội mà lớp trẻ chỉ lo kiếm sống và không có nhu cầu hiểu biết thì xã hội đó phát triển làm sao được! Đến khi đọc lại thấy từ đầu thế kỷ XX, các nhà trí thức của mình cũng đã nói nhiều đến chuyện này. Từ kinh nghiệm bản thân mà suy, những bậc chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… đã lên án gay gắt lối học khoa cử. Khi nói vậy, cũng tức là các nhà tri thức đó đã khẳng định chúng ta chưa có một nền học như chúng ta mong muốn hoặc như lẽ ra phải có.Đấy chính là điều khái quát mà trong lúc tỉnh táo và nhìn rộng ra thế giới, nhiều người dễ đồng tình. Tuy nhiên trong thực tế, những lời cảnh tỉnh đó ít được lắng nghe. Trong nhu cầu khẳng định dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, lâu nay chúng ta bằng lòng với cái nhìn hời hợt, rồi xoay sang huyền thoại hóa lòng ham học, biến nó thành điều tự hào quá mức… Bởi vậy, nên trước một vài nhận xét của người ngoài, ta có bị sốc thì cũng dễ hiểu.
Kết quả là sự học theo đúng nghĩa của nó, cái học của một cộng đồng bao giờ cũng dẫn tới hai kết quả: Một là dân tộc đó, cộng đồng đó có một kho tàng kiến thức phong phú, do phát triền theo quy luật chung của tư duy nên dễ hòa hợp với kiến thức chung của nhân loại; hai là ở đó hình thành một lớp người ưu tú mang tên tầng lớp tri thức. Cả hai phương diện này ở ta đều yếu kém.
Tại sao trong xã hội Việt Nam lại có tình trạng như vậy? Trên đại thể, chắc chắn là chúng ta lại phải quay vẻ với cái gốc của mọi vấn đề: Đất nước ta quá nghèo, xã hội ta phát triển chậm. Cuốn Lịch sử giáo dục của Roger Gal (bản dịch in ra ở Sài Gòn năm 1971) cắt nghĩa rất hay: ở một số xã hội, sở dĩ giáo dục không phát triển được vì thật ra đó là một thứ hàng cao cấp.
Có một tình hình cần phải tính đến khi nói về sự học của người Việt là cách hiểu và cách tiến hành việc học trong dân.gian. Trong một bài viết mang tên Nền học bình dân đăng trên Thanh Nghị đầu năm 1945, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố từng miêu tả một tình trạng phổ biến: Ở nông thôn xưa, trẻ 7 – 8 tuổi được bố mẹ đưa đến nhà các ông đồ xin học để biết gọi dạ bảo vâng, biết thế nào là tam cương nga thường, là những nguyên tắc xử thế tối thiểu. Mà cũng học vài chữ phòng khi cần biên quyển sổ hàng phe hàng giáp, hoặc ra đình đọc văn tế, hoặc đến cửa quan thì làm cái đơn cái từ. Khi nhắc lại nền học này – một trong những lý do khiến chúng ta hay tự khẳng định "người Việt ham học", chính Nguyễn Văn Tố cũng phải gọi là "rất đơn giản”. Nó không đáp ứng được nhu cầu đẩy nhanh sự phát triển dân tộc.
Trong trường kỳ lịch sử, xã hội ta lấy việc sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Kỹ thuật canh tác lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao. Có khi hàng thế kỷ trôi qua mà sự sống vẫn như ngưng trệ. Trong hoàn cảnh ấy, con người chỉ có một cách khẳng định cá nhân mình là gia nhập vào bọ máy quan chức. Việc học mà xã hội trung đại Việt Nam đề cao chính là đáp ứng nhu cầu đó. Người đi học dễ dàng thuộc lòng một số kiến thức xã hội đặt hàng. Do mang một hiệu quả thiết thực, nó ngày càng được khuyến khích, bố mẹ giục giã con, gia tộc làng xã khuyến khích nhau và trên một vài phương diện, nền học trông có vẻ phồn vinh. Song đến khi sự học không được dùng, người ta không cần học cũng có thể tiến thân thì nền học trở nên tiêu điều, ồn ào bề ngoài mà vắng lặng bên trong. Trong trường hợp đó, một vài cá nhân thông minh không có ý nghĩa gì đáng kể. Đồ thị diễn biến đó trong lịch sử vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, kinh tế không đủ chi cho sự phát triển của giáo dục và cả cái quan niệm về giáo đục vẫn trong tình trạng trì trệ; đến lượt nó, xét trong thời hạn ngắn, giáo dục chưa biết làm thế nào để đáp ứng nổi nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội.