TRỐN HỌP VÀ LƯỜI VỖ TAY TÔ VĂN TRƯỜNGViệt Nam ta có nhiều cái hay nhưng cũng có nhiều cái dở. Người Việt Nam hiện đại cũng thế! Lâu nay, chúng ta cứ nói nhiều cái hay, cái tốt của mình, nay thử nói hai trong số những cái xấu xem sao. Khốn nỗi hai cái xấu này phần lớn lại rơi vào tầng lớp có học được hưởng thụ đời sống văn minh đô thị. Đó là thói quen trốn họp và lười vỗ tay.Trốn họp ở đây không có nghĩa là không đến họp, thậm chí còn hăng hái đến họp không quên ghi tên nhận tài liệu (đôi khi còn nhận được phong bì bồi dưỡng). Sau khi nhận tài liệu, thì nghĩa vụ dự họp coi như đã hết, nên khi vào phòng họp cố chọn chỗ ngồi gần cửa “thoát hiểm” để dễ “lặn” hoặc chỉ mong cho đến giờ giải lao để ra đi không hề trở lại! Đây có thể nói là phông văn hóa và ý thức trách nhiệm của người đi dự họp. Việc này, diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi ở hầu hết tất cả các cấp kể cả các hội thảo quốc tế có quan chức và các nhà khoa học. Minh chứng là Diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 7/10 tại Hà Nội vừa qua, được xác định là hội nghị quan trọng, thiết thực, đầu buổi sáng rất đông đại biểu nhưng cuối giờ chiều chỉ còn khoảng 5 đại diện các tỉnh, trong khi đại diện các tổ chức quốc tế vần còn đông đủ!?
Cái thói xấu thứ hai là lười vỗ tay. Vỗ tay biểu thị sự đồng thuận, tình cảm, động viên lẫn nhau đối với những bài diễn thuyết, biểu diễn hay trên sân khấu hoặc thi đấu đẹp, hiệu quả trên các sân vận động của diễn viên và vận động viên thể thao. Có nhiều trường hợp vỗ tay còn là sự thông cảm, chia sẻ, an ủi khích lệ với đội thua hoặc không may gặp pha biểu diễn hỏng của vận động viên. Lịch sử loài người từ rất lâu đã hình thành văn hóa vỗ tay nhưng tiếc thay ở Việt Nam người ta quá tiết kiệm những tràng vỗ tay. Phải chăng thói vô cảm trong xã hội đã len dần sang cả lĩnh vực văn hóa!?
Hai cái xấu nói trên có căn nguyên của nó. Trong xã hội luật pháp vừa thiếu, vừa yếu, người ngay còn sợ kẻ cướp, đi đường gặp người bị nạn lại né tránh sợ mang hệ lụy vào thân, quan hệ xã hội lấy đồng tiền làm thước đo, chính là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển thói vô cảm.
Để chữa trị hai căn bệnh này, trước hết các cuộc họp, hội thảo phải xác định rõ mục đích, nội dung thật cần thiết để tránh lãng phí về thời gian và tiền bạc. Đối tượng mời dự phải là những người có trách nhiệm và có nhu cầu. Ngày 8/10/2009 tại TP.HCM cũng có hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM nằm trong chương trình hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đây là hội thảo không bình thường bởi vì đến cuối giờ chiều vẫn còn khoảng 50% đại biểu Việt Nam (gần trăm người) ngồi dự với khoảng 30 vị khách quốc tế. Thành công bước đầu này là nhờ Ban tổ chức biết lựa chọn mời đúng các đối tượng hiểu biết, quan tâm đến tham dự. Nhìn xa hơn, tôi còn nhớ tháng 3 đầu năm nay, tham dự hội thảo liên quan đến biến đổi khí hậu ở Perth- Australia có hơn 700 đại biểu tham dự đầy đủ, tranh luận sôi nổi, nhiều tiếng vỗ tay khích lệ trong suốt 4 ngày hội thảo. Lúc bế mạc người vẫn đông như khi khai mạc bởi vì người tham dự hội thảo không được nhận phong bì bồi dưỡng như ở Việt Nam, trái lại còn phải đóng kinh phí hơn 300 đô la/người mới được tham dự!
Để 2 thói xấu nói trên không còn tồn tại như bệnh dịch dai dẳng, tùy thuộc vào trình độ dân trí, phông văn hóa và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội của mỗi người. Thủ trưởng các cơ quan có người đi dự họp, hội thảo phải nghiêm khắc nhìn lại chính mình từ việc làm gương đến cử đúng người, đúng việc. Việt Nam đã gia nhập WTO, để bạn bè quốc tế không còn phải chứng kiến cảnh các đồng nghiệp Việt Nam hay bỏ họp giữa chừng và người Việt Nam lười vỗ tay, chúng ta chỉ còn cách học theo câu nói nổi tiếng của tổng thống Mỹ Barack Obama “Yes, We Can”!