| Hiện nay, nhiều quận huyện của TP.HCM đang lúng túng trong việc tìm kiếm nhân viên y tế dự phòng do nhiều bác sĩ bỏ đi tìm việc ở các bệnh viện tư, các phòng khám đa khoa. Nhiều bác sĩ khác thì đầu tư cho việc học chuyên tu nâng cao tay nghề để sau đó có thể tìm việc ở các bệnh viện lớn. Khủng hoảng thiếu
Ở không ít địa phương tại TP.HCM hiện nay, trung tâm y tế dự phòng không chỉ thiếu phương tiện, trang thiết bị mà còn thiếu nhân lực trầm trọng. Số cán bộ y tế dự phòng được đào tạo bài bản vốn đã không nhiều mà lại có nhiều người cứ muốn chuyển sang khám, chữa bệnh. Thu nhập của y tế dự phòng quá thấp là nguyên nhân ra đi của nhiều cán bộ, bác sĩ y tế dự phòng.
Tại một phòng khám đa khoa tư nhân tại quận Phú Nhuận, tình cờ chúng tôi gặp lại vị bác sĩ cách đây nửa năm còn làm bác sĩ tại trạm y tế phường của quận Tân Bình. Bác sĩ này chia sẻ, làm việc ở trạm y tế buồn lắm, cả ngày may ra có một – hai người đến khám bệnh. Các bác sĩ ở trạm chủ yếu làm công việc tiêm chủng, tuyên truyền bệnh tật, dập dịch… với tổng thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Nuôi hai đứa con ăn học bằng tiền lương ít ỏi như vậy không đủ, chị đành bỏ việc nhà nước ra làm y tế tư với lương tháng gần gấp đôi.
Đầu tháng 4.2010, trước tình hình thiếu hụt nhân sự trầm trọng tại các đơn vị y tế dự phòng, lãnh đạo sở Y tế đã yêu cầu các quận, huyện nhanh chóng bổ sung nhân lực và báo cáo kết quả cho sở sau ngày 30.4. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, nhiều trung tâm y tế dự phòng quận, huyện vẫn tuyển không ra bác sĩ! Khá nhất là các quận 3, 4, 7, 8 thì cũng vẫn còn thiếu một vài bác sĩ so với yêu cầu. Quận 2 nặng nề nhất vì hầu hết các phường trong quận đều chưa có bác sĩ ở trạm y tế phường. Quận 11 hiện có khoảng 1/3 số bác sĩ đã ra đi. Quận 1 chỉ còn một nửa số bác sĩ làm chuyên môn công tác y tế dự phòng... Một số quận huyện khác trên danh nghĩa vẫn có đủ cán bộ y tế dự phòng nhưng thực chất là nhờ có đội ngũ bác sĩ đã về hưu bổ sung vào mà đa phần trong số họ không có chuyên môn y tế dự phòng! Cũng có những quận, huyện bổ sung cán bộ y tế dự phòng theo hình thức chắp vá cho đủ tiêu chuẩn!
Giám đốc một trung tâm y tế dự phòng quận (xin được giấu tên) cho biết: “Tìm bác sĩ y tế dự phòng hết sức khó khăn! Sinh viên học y sĩ trung cấp nộp hồ sơ xét tuyển thì nhiều, còn sinh viên đại học thì không thấy. Nhiều cán bộ làm công tác y tế dự phòng ở quận tôi là bác sĩ ở bệnh viện quận, họ luân phiên nhau xuống trạm y tế phường trực một – hai giờ/ngày”.
Mới chỉ dự phòng phần ngọn
Bác sĩ Nguyễn Trung Hoà, giám đốc trung tâm y tế dự phòng quận Gò Vấp, cho biết, các trạm y tế phường hiện nay phải đảm đương quá nhiều công việc, từ tiến hành chương trình tiêm chủng mở rộng, khám và tuyên truyền sức khoẻ bà mẹ, trẻ em đến phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu sắt, iốt, hen suyễn, HIV/AIDS, lao, tiểu đường, huyết áp. Ngoài ra, còn phòng chống sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, sởi, sốt rét, chưa kể còn tuyên truyền điều trị cho khoảng 150 – 200 lượt người nhiễm HIV (uống thuốc ARV)/tuần, 700 – 800 người đến khám lao, khám định kỳ cho bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân bị tiểu đường… Quanh năm, y tế dự phòng địa phương thực hiện tổng cộng khoảng 29 chương trình. Trong khi đó, theo thống kê của bộ Y tế, việc đầu tư cho y tế dự phòng chỉ bằng 1/4 đầu tư cho chữa bệnh. Theo BS Hoà, do trung tâm y tế dự phòng làm quá nhiều nhiệm vụ mà nhân lực thì hạn chế, kinh phí đầu tư cho các chương trình còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu của cộng đồng, cán bộ có chuyên môn về y tế dự phòng còn ít nên công tác dự phòng bệnh tật mới chỉ giải quyết phần ngọn, chưa thể giải quyết triệt để. Ngoài ra, theo một số vị lãnh đạo trung tâm y tế dự phòng các quận 8, Hóc Môn, Bình Thạnh, Phú Nhuận… thì kinh phí cho hoạt động y tế dự phòng còn quá thấp, chẳng hạn việc phòng chống AIDS hiện nay phụ thuộc nhiều vào các tổ chức nước ngoài, các chương trình dự án khác thì phần lớn do các công ty tư nhân tài trợ. Phần kinh phí Nhà nước đầu tư cho mỗi dự án chỉ khoảng 2% tổng dự toán, chưa đủ tiền trả nhân công. Những lý do như vậy càng khiến các chương trình dự phòng chỉ làm cho có, theo kiểu kinh phí có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Một ví dụ cụ thể là, ai cũng biết hiện nay ở TP.HCM có khoảng 7 – 10% số người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường, mỗi quận đều có câu lạc bộ người đái tháo đường. Thế nhưng, cán bộ y tế dự phòng ở nhiều quận không biết quận mình có bao nhiêu người bị bệnh đái tháo đường, tình trạng bệnh ra sao, mức độ nặng hay nhẹ, can thiệp cụ thể như thế nào… | |