I. Khái niệm chung
Đào tạo theo niên chế hay đào tạo theo học chế tín chỉ là hai hình thức tổ chức đào tạo khác nhau nhưng đều có chung một mục tiêu là đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được sự phát triển của các ngành nghề trong xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Đào tạo theo niên chế hay đào tạo theo học chế tín chỉ đều có lịch sử phát triển từ lâu, mỗi cách tổ chức đào tạo đều có những ưu điểm, những khó khăn riêng và đều đạt những thành quả rất to lớn.
Nếu để tìm ra sự khác nhau giữa hai cách tổ chức đào tạo này thì trong phạm vi một bài viết không thể đáp ứng được, tuy vậy dưới góc độ đào tạo có thể thấy một số điểm khác nhau cơ bản giữa hai cách tổ chức đào tạo này.
1. Đào tạo theo niên chế
Đào tạo theo niên chế là đào tạo theo năm học, mỗi chương trình đào tạo của một ngành học được quy định đào tạo trong một số năm nhất định. Ví dụ chương trình đào tạo trình độ đại học được cấp bằng cử nhân thường đào tạo trong 4 năm, cấp bằng kỹ sư được đào tạo trong 5 năm, cấp bằng bác sỹ được đào tạo trong 6 năm. Sinh viên học hết thời gian quy định nếu không bị lưu ban, dừng tiến độ học tập thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học, được ra trường.
2. Đào tạo theo học chế tín chỉ
Đào tạo theo tín chỉ không tổ chức theo năm học mà theo học kỳ. Một năm học có thể tổ chức đào tạo từ 2 đến 3 học kỳ, mỗi chương trình đào tạo của một ngành học nhất định không tính theo năm mà tính theo sự tích lũy kiến thức của sinh viên, sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho một ngành học thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học, được ra trường.
II. Tổ chức đào tạo
1. Tổ chức đào tạo theo niên chế
Trong đào tạo theo niên chế mọi lịch học, lịch thi được phòng Đào tạo chuẩn bị sẵn. Các lớp sinh viên được biên chế cố định ngay từ ngày nhập trường và ít khi có sự biến động. Sinh viên chấp hành tốt các lịch học, lịch thi, các quy định, quy chế của nhà trường, tích cực học tập và rèn luyện thì sẽ đạt kết quả tốt. Tổ chức đào tạo theo niên chế tương đối thuận lợi, kế hoạch đào tạo, lịch giảng, lịch thi có thể làm ngay từ đầu năm học và ít khi có sự biến động.
2. Tổ chức đào tạo theo tín chỉ
Trong đào tạo theo tín chỉ, sinh viên phải tự đăng ký lịch học, sinh viên không đăng ký sẽ không có lịch học. Để làm được việc đó sinh viên phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc các tài liệu của nhà trường như quyển niên giám, sổ tay sinh viên, nắm vững chương trình đào tạo, các học phần phải học trước, các học phần học song hành, phần kiến thức giáo dục đại cương, phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp… để có thể có được đăng ký lịch học cho từng học kỳ cho phù hợp (phù hợp ở đây là phù hợp với quy định của nhà trường và phù hợp với sức học của sinh viên). Sinh viên đã phải tự học các quy chế, quy tắc một cách thật sự. Ưu điểm của cách tổ chức này là sinh viên có quyền lựa chọn, sinh viên không những được lựa chọn các môn chính khóa của ngành được đào tạo mà còn có thể được đăng ký học thêm 1 số học phần tự chọn yêu thích hỗ trợ cho hướng phát triển ngành nghề sau này. Trong thời gian học chính khóa có thể học thêm ngoại ngữ, tin học (học bằng 2).
III. Chương trình đào tạo
1. Chương trình đào tạo theo niến chế

Chương trình đào tạo theo niên chế có khối kiến thức giáo dục đại cương và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, các khối kiến thức này được bố trí theo một tỷ lệ nhất định. Khi xây dựng chương trình của các ngành người ta chỉ chú ý đến liên thông dọc và các bậc học tiếp theo (các bậc học cao hơn), còn ít chú ý đến liên thông ngang giữa các ngành trong cùng một trình độ đào tạo. Vì vậy chương trình đào tạo của các ngành khác nhau trong cùng lĩnh vực ít nhiều mang tính độc lập, vì vậy không tận dụng được hiệu quả đào tạo. Trong đào tạo theo niên chế những người phấn đấu học được 2 bằng, 3 bằng đại học là rất khó, mà điều này rất quan trọng vì các lĩnh vực kiến thức sẽ bổ trợ cho nhau trong quá trình công tác sau này, như người học muốn có thêm kiến thức về tin học, ngoại ngữ, về quản lý kinh tế...
2. Chương trình đào tạo theo tín chỉ
Một trong những điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong xây dựng chương trình trong đào tạo theo học chế tín chỉ là các chương trình đào tạo có tính liên thông cao, là đào tạo tiềm năng.
Một chương trình giáo dục đại học bao giờ cũng có khối kiến thức đại cương (Toán, hóa, sinh...) và các môn chung như Mác - Lênin, ngoại ngữ, tin học... Các môn học này cần được xây dựng trên một nền chung đáp ứng cho tất cả các ngành đào tạo trong một lĩnh vực đào tạo nhất định. Việc tổ chức xây dựng chương trình có tính liên thông cao như vậy sẽ đào tạo cho sinh viên một tiềm năng lớn và sinh viên có khả năng học liên thông các ngành trong cùng một lĩnh vực.
Khi đã xây dựng được chương trình có tính liên thông cao, liên thông ngang giữa các ngành trong cùng một khối và liên thông dọc từ cao đẳng lên đại học thì sinh viên rất có điều kiện để học cùng một lúc nhiều ngành và trong một thời gian nhất định có thể phấn đấu học được hai hoặc ba bằng đại học.
IV. Phương pháp giảng dạy
1. Trong đào theo niên chế
Đơn vị đo lường khối lượng học tập của sinh viên là đơn vị học trình (đvht) tương đương với 15 tiết học lý thuyết ở trên lớp, 30 giờ thực hành thí nghiệm…, mỗi năm sinh viên đại học phải tích lũy khoảng 50 (đvht) nên chương trình đào tạo của của các ngành đào tạo như sau.
Chương trình đào tạo Đại học 4 năm tương đương với 200 (đvht).
Chương trình đào tạo Đại học 5 năm tương đương với 250 (đvht).
Chương trình đào tạo Đại học 6 năm tương đương với 300 (đvht).
Trong đào tạo theo niên chế áp dụng rất nhiều phương pháp giảng dạy như thuyết trình, giảng dạy dựa trên vấn đề, semina, thảo luận nhóm, thực hành, thí nghiệm, đi thực tập thực tế cộng đồng, thực tập tốt nghiệp. Tuy đã có rất nhiều hội thảo về đổi mới công tác giảng dạy nhưng phương pháp học tập sinh viên ở trên lớp còn thụ động, chủ yếu là nghe giảng, ghi chép, học thuộc lòng, ít tham gia vào bài giảng. Về lượng giá còn chưa đa dạng hóa các loại hình lượng giá, hình thức lượng giá làm chuyên đề, làm bài tập lớn còn chưa được áp dụng rộng rãi.
2. Trong đào tạo theo tín chỉ
Đơn vị đo lường khối lượng học tập là tín chỉ (TC), 1 tín chỉ tương đương với 15 tiết giảng lý thuyết, 30 giờ thực hành thí nghiệm. Mỗi học kỳ sinh viên phải tích lũy tương đương 15 tín chỉ, nên các chương trình đào tạo có khối lượng tín chỉ như sau:
Chương trình đào tạo đại học 4 năm tương đương 120 tín chỉ
Chương trình đào tạo Đại học 5 năm tương đương 150 tín chỉ
Chương trình đào tạo Đại học 6 năm tương đương 180 tín chỉ
Để chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định chuyển đổi chương trình đào tạo theo niên chế sang chương trình đào tạo theo tín chỉ theo tỷ lệ: cứ 1,5 ĐVHT quy đổi thành 1TC.
Như vậy trong đào tạo theo tín chỉ, thời gian có mặt ở trên lớp giảm đi 1/3 thay vào đó là thời gian tự học phải tăng lên. Theo quy định cứ 1 tín chỉ sinh viên phải tự học là 30 tiết. Trong đào tạo theo tín chỉ yêu cầu về chuẩn đào tạo không hề thay đổi, trước mắt vẫn giữ nguyên và dần dần sẽ tăng lên theo yêu cầu của công tác kiểm định chất lượng. Như vậy thời gian giảng dạy trên lớp giảm đi, thời gian tự học của sinh viên tăng lên trong khi không được giảm yêu cầu đánh giá. Vậy làm thế nào để đảm bảo chất lượng. Mấu chốt của vấn đề là phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Phải giảng dạy bằng phương pháp tích cực. Các phương pháp giảng dạy trong đào tạo theo niên chế vẫn tiếp tục được phát huy các điểm mạnh, nhưng việc tích cực sinh viên trong giờ học được đặt lên hàng đầu. Để đáp ứng được yêu cầu này sinh viên phải nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp, giảng viên phải tăng cường cho sinh viên tự học ngay trên lớp bằng các biện pháp như nêu ra các vấn đề của bài giảng để sinh viên tìm ra cách giải quyết theo định hướng của giảng viên để sinh viên có thói quen tự học.
Trong đào tạo theo tín chỉ khi chuyển đổi từ 1,5 ĐVHT sang 1 TC tức là từ 22,5 tiết giảng lý thuyết ở trên lớp (trong đào tạo theo niên chế) chỉ còn 12 tiết giảng lý thuyết + 6 tiết thảo luận ở trên lớp (trong đào tạo theo tín chỉ) việc tiếp tục giảng dạy bằng phương pháp truyền đạt 1 chiều không còn phù hợp nữa. Nếu giảng viên cùng với phương tiện hỗ trợ (máy tính xách tay + Projector) tăng tốc độ giảng lên 2 lần để cho không bị "cháy giáo án" thì sinh viên sẽ bị quá tải về thông tin và không phân biệt được các vấn đề chính, vấn đề phụ của bài giảng, từ đó không hiểu bài, không hiểu bản chất của vấn đề, dẫn đến chất lượng học tập giảm sút. Đây là vấn đề rất lớn khi bước vào đào tạo theo tín chỉ.
Hoặc có xu hướng giảng viên coi việc đọc trước bài của sinh viên trước khi đến lớp đã có hiệu quả rồi, lên lớp chỉ giảng những vấn đề khó và trả lời các thắc mắc của sinh viên, kiểm tra nhận thức của sinh viên. Nếu theo xu hướng này bài giảng sẽ không có hệ thống không được trình bày theo giáo án và sự tự học của các sinh viên không đồng đều cũng không đạt được hiệu quả trong đào tạo.
Phương châm giảng - dạy là học - hiểu, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên phải được tham gia vào từng vấn đề của bài giảng cho đến khi tất cả các vấn đề của bài giảng được làm sáng tỏ, được giải quyết dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
V. Tự học trong đào tạo theo tín chỉ
Trong đào tạo theo tín chỉ, đối với sinh viên tự học là vấn đề quan trọng nhất, sinh viên phải tự học ngay trên lớp, lên lớp là làm việc thực sự (chứ không phải đi nghe giảng, dự giờ). Muốn tự học trên lớp có hiệu quả sinh viên phải tự đọc tài liệu trước, không chỉ đọc giáo trình mà phải đọc tài liệu có liên quan, không phải đọc cả quyển tài liệu mà chỉ đọc những vấn đề trực tiếp liên quan đến bài giảng. Các vấn đề liên quan đều phải được đánh dấu lại, ghi chép lại hoặc có chỉ dẫn rõ ràng để khi cần lập tức có thể tra cứu được ngay.
Sinh viên học ở trên lớp phải chịu khó ghi chép, hăng hái phát biểu, tích cực tìm hiểu, phấn khởi khi được giảng viên kiểm tra, vấn đề gì chưa rõ phải hỏi giảng viên cho rõ, nếu vẫn chưa hiểu thì trao đổi lại với nhóm học tập (thảo luận nhóm). Thảo luận nhóm là hình thức rất quan trọng, qua thảo luận nhóm sinh viên phát hiện những vấn đề mình còn thiếu hụt để tự bổ sung. Những vấn đề đã nắm bắt được qua thảo luận nhóm cũng được khẳng định.
Tìm ra sự khác nhau giữa hai cách tổ chức đào tạo không phải để so sánh và tìm ra cách tổ chức đào tạo nào ưu việt hơn. Mỗi cách tổ chức đào tạo đều phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ nhất định.
Tìm ra sự khác nhau để thích ứng với hình thức tổ chức đào tạo mới - hình thức tổ chức đào tạo theo tín chỉ với hai yêu cầu: giảng dạy theo phương pháp tích cực (lấy người học làm trung tâm) và sinh viên phải tự học là chính, phải lấy tự học làm cốt.